THIẾT KẾ BẬC CẤP, TRẦN, SÀN NHÀ, CỘT NHÀ VÀ ÁNH SÁNG SAO CHO HỢP PHONG THỦY?

Bậc thềm nhà, trần, sàn, cột nhà và ánh sáng là một phần rất quan trọng trong phong thủy nhà ở. Tuy nhiên không phải ai cũng biết được cách thiết kế những yếu tố trên sao cho vừa hài hòa với ngôi nhà mà vẫn hợp phong thủy. Trong bài viết sau đây, Xem ngày hoàng đạo sẽ phân tích những yếu tố trên chuẩn phong thủy giúp gia chủ nhận nhiều may mắn, tài lộc.

BẬC CẤP 

Dù thiết kế nhà theo trường phái kiến trúc nào, nền nhà cần có bậc cấp, nếu không có bậc cấp, người trong nhà có thể vướng phải tình trạng sống long đong, ba chìm bảy nổi, công việc làm ăn trắc trở, gia đình bất an, tình cảm giữa những người trong nhà bị rạn nứt. Vì thế, nhà cần có nền ở khu vực này thì cao, ở khu vực khác lại thấp. Bậc đi trước cửa nhà càng rộng càng tốt (chủ nhà đi lại thoải mái và an toàn hơn).

Nếu trước nhà có bậc cấp thì những bậc này không nên quá dốc và hẹp (không giữ được tiền của). Nhà cần có thềm rộng trước cửa ra vào.

Nếu căn phòng có bậc cấp, thì giường ngủ cần nằm ở khu vực cao hơn. Tuy nhiên, chỉ xây dựng bậc cấp ở những vị trí cần thiết như lối ra vào trước cửa chính, cửa phòng, cầu thang; không nên thiết kế nền nhà có nhiều bậc cấp, vì như thế có hại cho sức khỏe và nghề nghiệp của gia chủ.

TRẦN NHÀ

Trần nhà cần phải cao để tạo cảm giác thoải mái cho người sống trong nhà. Nếu trần nhà thấp, không gian sẽ trở nên ngột ngạt, tù túng vì thiếu khí, lâu ngày sẽ khiến người trong nhà trở nên mệt mỏi và dễ bị đau đầu.

KHÔNG THUẬN LỢI

  • Không nên ngủ hay làm việc dưới mái nhà dốc.
  • Không nên đặt giường dưới xà ngang.
  • Không nên đặt bàn học dưới xà ngang.

Cần che đậy xà ngang bằng cách thiết kế một “trần nhà giả” hoặc căng một tấm vải trên bốn cột giường (để che chắn toàn bộ giường).

THUẬN LỢI

Nhìn chung, một trần nhà bằng phẳng bình thường là lý tưởng.

CÁCH CHỮA

Nếu trần nhà thấp, khắc phục bằng cách:

  • Sơn quét màu trên trần nhạt hơn so với màu của bốn bức tường xung quanh;
  • Treo gương hai bên tường để tạo cảm giác không gian rộng hơn;
  • Không nên sử dụng tranh ảnh, chi tiết hoa văn hình vuông hay đường thẳng lớn trên trần.

SÀN NHÀ

Điều đầu tiên bạn cần nghĩ tới là vật liệu lót sàn. Không nên chọn loại vật liệu chỉ vì nó đẹp và hiện đại, không “đụng hàng” với những vật liệu lót sàn khác. Điều quan trọng là nó phải phục vụ hữu ích cho khu vực đó, tức mục đích sử dụng của bạn dành cho nơi đó. Vật liệu lót sàn phòng khách chắc chắn sẽ không giống với loại bố trí cho sàn nước.

Sàn nhà là nơi chịu nhiều áp lực bởi sự di chuyển của con người, do đó bạn nên chọn loại vật liệu bền. Nếu bề mặt sàn mau hư hỏng, trầy trụa, chịu lực kém (như sàn của gác gỗ) thì cần suy nghĩ lại trước khi sử dụng chúng.

Nhìn chung, bạn nên sử dụng những loại vật liệu nào mà bạn ít tốn tiền bạc và công sức bảo quản là tốt.

Khi thiết kế sàn cho từng khu vực, bạn cần chú ý đến những chi tiết như: bề mặt của nó ở nơi đó trơn hay nhám, bóng hay mờ, nghiêng hay dốc, có gờ hay bậc cấp không… Nếu bố trí mặt sàn và sử dụng vật liệu không hợp lý sẽ gây ra nhiều sự bất an. Những chỗ như phòng tắm, nhà bếp, lối đi cần bằng phẳng, không nên tạo dáng lồi lõm (dễ vấp ngã).

Vật liệu lót sàn cần có sự thống nhất, tương hỗ giữa các khu vực, nhất là về màu sắc. Tuy nhiên, ở khu vực nào đó bạn có thể nhấn mạnh “sự tương phản” đôi chút để tạo ấn tượng mạnh về không gian.

Ở phòng khách, bạn có thể sử dụng đá hay gạch lót sàn nhẵn bóng, nhưng không nên sử dụng những vật liệu như thế ở sàn nước, nơi bạn cần dọn dẹp, lau rửa hàng ngày.

Trong phòng ngủ, bạn nên sử dụng sàn gỗ hoặc sàn gạch có màu mang tính chất Thủy, Thổ hay Mộc (xanh lá, xanh dương hoặc vàng…) hoặc sử dụng màu ấm, tuy nhiên, cần tránh dùng màu mang tính chất Hỏa (nóng bức) hoặc Kim (lạnh lẽo).

Sàn nhà thuộc Âm, màu thường sậm hơn tường và trần nhà nhưng sàn phải đảm bảo độ sáng nhất định, song bạn cần chú ý đến yếu tố phản quang của vật liệu (sàn bóng quá có thể phản chiếu hình ảnh, tạo ảo giác không tốt cho người trong nhà). Những màu tốt như đen xám hoặc màu đỏ sậm chỉ dùng nơi công cộng, không nên phân bố nó quá nhiều trong phạm vi sàn nhà ở.

Phần dưới của chân người vốn mang tính Âm, do đó nó cần được cân bằng với tính Dương. Vì thế bạn cần tạo sự ấm áp cho cho chân người bằng cách sử dụng vật liệu gỗ, đất nung để lót sàn. Ngoài ra bạn lót thêm thảm thì càng tốt.

Nếu sử dụng đá granite (vốn mang tính chất lạnh), bạn chỉ nên lót chúng ở sảnh lớn, nhiều người lui tới.

Cuối cùng, bạn cần tạo không gian trống cho sàn nếu có thể. Một sàn nhà chứa đầy đồ đạc sẽ khó lau chùi, gây ẩm thấp và bụi bặm, nó sẽ phát sinh Hung khí. Do đó, việc làm sạch sàn nhà thường xuyên là một trong những cách giúp tăng Cát khí, giữ gìn sức khỏe cho những người trong gia đình bạn.

CỘT VÀ GÓC CẠNH TRONG NHÀ

CỘT TRONG NHÀ

Những cột trong nhà nên thiết kế hình tròn để khí dễ di chuyển, không nên dùng cột vuông, vì cột vuông cản khí nhiều hơn và có những cạnh nhọn có thể gây nguy hiểm. Đặc biệt cần lưu ý, cần hạn chế tối đa việc bố trí cột vuông giữa nhà.

Nếu nhà đã có cột vuông thì gắn gương ở bốn mặt cột để khí dễ di chuyển và cho cảm giác cột đã biến mất. Các cạnh gương ghép sát nhau và không có khung nẹp góc.

GÓC CẠNH TRONG NHÀ

Nhà nào cũng có góc, tuy nhiên cần thiết kế góc chạy vát theo hình bát giác là tốt nhất, sẽ giúp khí di chuyển dễ dàng. Thiết kế góc lượn tròn cũng có tác dụng tương tự nhà có góc cạnh, nên đặt gương vào ngay vị trí góc để tạo thành hình bát quái, giúp sinh khí lưu chuyển dễ dàng hơn.

Trong kiến trúc, góc lồi được xem là kém may mắn. Nếu nhà đã có góc lồi, nên chữa bằng cách đặt gương vào một bên hoặc hai bên của góc lồi để làm dịu góc. Nếu không dùng gương, bạn có thể trồng một cây leo lên ngay chỗ góc hoặc treo một quả cầu thủy tinh ở phía trước góc.

ÁNH SÁNG TRONG NHÀ

Ánh sáng mặt trời và ánh đèn có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm lý và sự năng động của những người sống trong nhà. Nếu căn nhà nào đó mất quân bình về sự lưu chuyển của dòng khí, thì việc sử dụng ánh sáng tự nhiên và ánh đèn là một cách chữa rất hiệu quả.

Một căn nhà có đầy đủ ánh sáng là thuận khí, tạo thêm sinh lực cho người sống trong đó. Ngôi nhà thiếu ánh sáng hoặc tối tăm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chủ nhà.

Cách thiết kế lượng ánh sáng trong nhà có thể không giống như cách sử dụng ánh sáng ở những nơi khác, thí dụ như ở quán cà phê hay tiệm ăn. Do tính chất của hàng quán, người ta có thể sử dụng ít ánh sáng hơn và đây là trường hợp ngoại lệ.

Nếu nhà bạn có một bóng đèn bị cháy, hãy thay ngay bằng một bóng khác có cường độ ánh sáng bằng hoặc sáng hơn.

CÁCH CẢI THIỆN ÁNH SÁNG BAN NGÀY TRONG NHÀ

Để cải thiện số lượng và chất lượng ánh sáng tự nhiên trong nhà, bạn có thể áp dụng một số cách dưới đây:

  • Làm những ô cửa sổ trên trần nhà. Những ô này có thể rất hữu ích trong việc đưa ánh sáng tự nhiên vào hành lang hay căn phòng tối. Nhưng cần chú ý bởi vì trong mùa hè, khi bạn không muốn bị nóng thì ánh nắng trực tiếp lại chiếu trên đầu, càng làm nóng hơn. Do đó, trong giai đoạn thiết kế những ô cửa trên trần nhà, bạn cần nghiên cứu kỹ lượng ánh nắng tối đa có thể vào nhà, nhất là vị trí ánh sáng chiếu xuống ở đâu, trong phạm vi nào. Khi nắm rõ điều này, bạn sẽ biết cần phải lắp đặt bao nhiêu ô cửa và chúng sẽ nằm ở đâu trên trần nhà, mục đích để giảm tối đa sự nóng bức vào mùa hè mà vẫn có đủ lượng ánh sáng cần thiết.
  • Làm những ô cửa kính thành hàng trên một khoảng tường. Nếu không tối ưu hóa được những ô cửa trên trần nhà, bạn có thể thiết kế một dãy cửa sổ trên khoảng tường nào đó trong nhà. Với kỹ thuật tráng kính hiện đại ngày nay, càng sử dụng nhiều ô cửa kính lại càng nhận nhiều ánh sáng và không phải lo gì về sự tăng nhiệt.

BỐ TRÍ ÁNH SÁNG TRONG NHÀ

Dù nhà bạn thiết kế theo phong cách xưa hay hiện đại, bạn vẫn có thể bố trí ánh sáng hài hòa khắp nhà.

Để ánh sáng tự nhiên chiếu xuống phần trung tâm nhà, bạn cần thiết kế giếng trời ngay khu vực cầu thang, cho ánh sáng từ những tầng trên rọi xuống tầng trệt.

Khu vực phòng khách (có hoặc không có tầng lửng), nhà bếp và phòng ăn cần thiết kế liền nhau, không có vách ngăn kín rồi cho ánh sáng chiếu vào từ hai đầu nhà. Để phân chia không gian cho từng phòng, bạn chỉ cần sử dụng loại vách ngăn (tường hở), có những ô nhỏ trên vách, còn phía trên thì thông thoáng. Như thế, ánh sáng sẽ từ hai đầu nhà xuyên qua tất cả khu vực phòng khách, phòng ăn và nhà bếp.

Cần có cửa sổ ở những phòng nêu trên, đặc biệt là phòng khách, để ánh sáng đi vào như cách trang trí tự nhiên. Ở những tầng trên, bạn vẫn thiết kế như thế với cường độ ánh sáng khác nhau.

Hy vọng bài viết trên sẽ giúp các bạn có thêm những kiến thức về thiết kế nhà theo phong thủy. Để biết thêm nhiều thông tin khác như tử vi, phong thuỷ, xem tướng theo dõi ngay Xem ngày hoàng đạo bạn nhé.