THIẾT KẾ GIẾNG TRỜI VÀ CẦU THANG SAO CHO HỢP PHONG THỦY?

Phong thủy cầu thang là một trong những yếu tố không thể thiếu trong các công trình xây dựng nhà ở. Còn thiết kế giếng trời là xu hướng được nhiều căn nhà ống, nhà phố có diện tích nhỏ áp dụng hiện nay. Vậy làm sao để thiết kế giếng trời và cầu thang vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa hợp phong thủy? Mời bạn tham khảo ngay trong bài viết dưới đây.

THIẾT KẾ GIẾNG TRỜI THEO PHONG THỦY

Trong phong thủy, người ta gọi giếng trời là Thiên tỉnh, tức khu vực lộ thiên ở giữa nhà, nơi để lấy ánh sáng và gió. Tuy gọi là “giếng” nhưng trên thực chất, giếng trời chỉ là trục không gian rỗng nối thông lòng nhà với bầu trời.

Giếng trời là cầu nối giữa con người và thiên nhiên. Do đó bạn cần coi trọng khu vực này, thiết kế hình dáng và tỷ lệ của giếng trời làm sao để phù hợp với tổng thể ngôi nhà và gặt hái được nhiều điều tốt nhất cho môi trường sống của gia đình bạn.

Tùy theo địa thế, hình dáng nhà, nếu không bố trí được giếng trời ở phần giữa nhà, bạn vẫn có thể bố trí ở khu vực trước hay sau nhà. Nhưng cần nhớ, giếng trời nằm ở giữa nhà bao giờ cũng là vị trí tốt nhất.

Nếu nhà nhỏ, trên đỉnh giếng trời bạn nên làm mái che nhẹ bằng kính hay những vật liệu trong suốt để lấy ánh sáng (như tôn sáng hai lớp, mica…). Khi cần đóng lại mái này, nhà bạn vẫn nhận được một lượng ánh sáng nhất định.

Hình dáng của mái giếng trời tùy thuộc vào sở thích của bạn: hình chóp, cong hay nghiêng dốc đều được, song cần phải có khe hở để không khí ra vào. Một điều cần chú ý, bạn cần thiết kế làm sao để nước mưa không thể lọt vào.

Nếu nhà lớn, bạn có thể tạo một khoảng trống nhất định, cho nó thông với bầu trời và không cần làm mái đỉnh, nghĩa là: mưa nắng có thể lọt xuống tự do. Và nếu như thế, bạn cần có hệ thống mái che quanh khu vực giếng trời để mưa nắng không thể tạt vào những vùng lân cận phía dưới. Nếu nhà bạn có diện tích thật rộng, giếng trời cách xa những vùng lân cận thì bạn có thể không cần sử dụng hệ thống mái che cho các vùng này.

Khu vực này thường kết hợp với cầu thang (dân gian thường gọi là “tum thang”).

Bạn không nên bố trí giếng trời quá dài hay quá sâu mà cần tạo thành hình vuông. Để làm đẹp khu vực này, bạn có thể sử dụng các loại gạch, gốm, đá ốp, gỗ;… treo một số chậu hoa, cây cảnh;… nói cách khác, bạn có thể bố trí một vườn nhân tạo và bể nước nhỏ ở khu vực này nếu nhà rộng. Ngoài ra, bạn có thể cho cây xanh leo trên vách giếng trời.

Nhìn chung, không cần quá nhiều cây, chỉ một số cây có kích cỡ, chiều cao khác nhau là được. Nếu bố trí cây thành cụm thì phải có một cây cao nhất làm chủ và nên chọn loại cây có thể sống trong bóng mát.

Cuối cùng, xin lưu ý, dù bố trí thế nào, bạn cũng cần chừa khoảng trống thông suốt từ tầng trệt lên mái nhà để đối lưu không khí và lấy ánh sáng.

THIẾT KẾ CẦU THANG

Trong căn nhà hiện đại, cầu thang có một vị trí quan trọng, ngoài chức năng dùng để đi lại, chúng còn là một cách trang trí, làm đẹp cho nhà, biểu thị cho khiếu thẩm mỹ của gia chủ.

Khi thiết kế, cần cho cầu thang dựa vào vách trái (vách Thanh Long) của ngôi nhà, như thế mới hợp cách. Vách này phải sáng để tạo ra khí lực.

Từ vách trái ngôi nhà, cầu thang có thể cong hình chữ L rồi đi lên tiếp tầng trên. Nếu nhà nhiều tầng, vị trí của cầu thang vẫn phải tuân đúng trình tự như thế.

Cầu thang phải cân xứng với không gian nhà, chiều ngang rộng cần từ 90cm đến 1,2 m. Số lượng bậc thang nhiều hay ít còn tùy thuộc không gian nhà, tuy nhiên cần tuân thủ số bậc theo quan điểm cổ truyền: sinh, lão, bệnh, tử. Bậc đầu tiên (từ dưới tính lên) là sinh, bậc thứ hai là lão, cứ thế mà tính tiếp. Nói cách khác, số bậc cầu thang phải chia hết cho 4 rồi cộng thêm 1 (hoặc 2 là tối đa). Ví dụ, số bậc cầu thang là 17,18 hoặc 21, 22 bậc. Riêng bậc ngay cua quẹo cũng tính là một bậc.

Độ dốc của cầu thang còn tùy theo tỷ lệ chiều rộng và chiều cao của bậc thang. Làm sao để tạo bước đi thoải mái trên bậc thang là được. Để có sự thoải mái này, bạn có thể tính theo công thức 2h + b = 600mm (h là chiều cao bậc thang, b là chiều ngang bậc thang). Nhìn chung, chiều cao bậc thang khoảng 150 – 180mm, còn chiều rộng từ 240 đến 300mm.

Bậc ở cua quẹo không được nhỏ hơn chiều rộng của những bậc thang khác, đồng thời phải thuận tiện trong lúc vận chuyển.

Chiều cao của lan can (tay vịn) có liên quan với độ dốc cầu thang. Nếu cầu thang không dốc lắm, nên thiết kế lan can cao hơn một chút. Chiều cao của lan can, tính từ mặt bậc thang đến phần trên của tay vịn, cần khoảng 900mm.

Do cầu thang có nhiệm vụ dẫn khí lưu thông giữa các tầng theo chiều đứng (lên hoặc xuống), ta cần thiết kế cầu thang uốn theo dạng cánh cung (hoặc rồng lượn) là thích hợp nhất, vì chúng tạo ra sự mềm mại và giúp dòng khí lưu chuyển dễ dàng.

Cầu thang cần phải rộng rãi, sáng sủa để không tạo cảm giác ngột ngạt (do trần thấp). Đây là nơi dẫn khí từ tầng dưới lên tầng trên và ngược lại, do đó, nếu cầu thang quá hẹp, tối tăm thì khí sẽ bị ngăn cản, quá trình lưu thông chậm lại. Trong trường hợp nhà có cầu thang hẹp và tối, nên chữa bằng cách treo một tấm gương lên trần, thắp đèn phía trên cầu thang để làm tăng nguồn khí, tạo thêm “sức sống” cho khu vực này.

Ngoài ra, có thể gắn trên vách những tấm gương đế tạo cảm giác không gian rộng hơn.

Nên đặt cầu thang ở một góc, dưới gầm cầu thang cần phải trống. Tuy nhiên, có thể đặt hòn non bộ hay bể cá dưới cầu thang. Đây là điều tốt, tạo thêm sự dũng mãnh cho cầu thang.

Một số điều kiêng kỵ:

  • Cầu thang không được nghiêng và gập ghềnh;
  • Không nên đặt cầu thang đè lên trên cửa giường ngủ hay dưới gầm cầu thang là bếp. Tuyệt đối không thiết kế cầu thang ở giữa nhà, đây là điều cấm kỵ theo phong thủy, có thể dẫn tới tai họa cho chủ nhà;
  • Không nên làm bậc cầu thang rỗng (phần dưới nền bậc trống), vì khí sẽ thoát qua những bậc này, chứ không di chuyển từ tầng dưới lên tầng trên và ngược lại. Nếu nhà có bậc cầu thang rỗng, cần chữa bằng cách đặt dưới cầu thang những chậu cây cảnh để giúp khí lưu chuyển lên hoặc xuống, chứ không len qua bậc cầu thang;
  • Không nên thiết kế cầu thang chạy thẳng xuống cửa chính (cửa ra vào) của nhà. Người Trung Hoa cho rằng làm như thế sẽ không giữ được vượng khí trong nhà và khiến tiền của dễ “thoát” ra… đường!
  • Nếu nhà có cầu thang chạy ra cửa chính, nên chữa bằng cách treo một quả cầu thủy tinh hay một khánh nhạc ở giữa bậc thang cuối với lối ra vào (treo rủ từ trên trần xuống). Điều này giúp dòng khí lưu chuyển nhẹ đi.
  • Không nên thiết kế cầu thang hình xoáy trôn ốc. Với loại cầu thang này, từ trên nhìn xuống dễ có cảm giác chóng mặt, đi lại khó khăn, đặc biệt là loại cầu thang kích cỡ nhỏ, xoáy uốn lượn cao lên thì càng không nên. Loại cầu thang này làm hở bậc thang và không giữ được khí lưu chuyển từ tầng trên xuống hay ngược lại. Trong phong thủy, người ta rất kiêng kỵ việc đặt cầu thang xoáy trôn ốc ngay giữa trung tâm nhà. Nếu nhà có loại cầu thang này, cần chữa bằng cách thiết kế đèn sáng từ trên trần chiếu xuống khắp cầu thang để dẫn khí. cầu thang cần có tay vịn, trên tay vịn được đặt một vật màu xanh.
  • Nhìn chung, không nên làm cầu thang xoáy trôn ốc, nếu có thì cầu thang phải thật rộng và vững chắc, dễ đi, không tạo cảm giác chóng mặt. Xin nhắc lại, điều kiêng kỵ này chỉ trong phạm vi cầu thang tư gia, chúng tôi không bàn đến khu thương mại hay giải trí.
  • Không nên bố trí cửa ra vào đối diện với cầu thang. Nếu nhà bạn như thế, hãy chữa bằng cách sử dụng bình phong hoặc vách ngăn giữa cửa và cầu thang, nhưng không cần cao lắm, chỉ cần cao đến mức khi đứng ở cửa và không nhìn thấy cầu thang là được.

Từ những thông tin trên ta rút ra được những ý sau:

  • Cầu thang không nên đối diện với cửa chính.
  • Cầu thang không được nằm ở phần trung tâm nhà.
  • Cầu thang không được đối diện với cửa nhà vệ sinh.
  • Cầu thang này không nên đối diện với cầu thang khác.
  • Cầu thang không được đối diện với cửa phòng ngủ.
  • Cầu thang tốt nhất nên có số bậc là 1, 2, 5,10,13 14, 17 hoặc 22.

Không gian dưới gầm cầu thang thường được xem là góc chết vì ít sử dụng. Ở những ngôi nhà lớn, người ta thường bố trí nhà vệ sinh hoặc tủ quần áo ở nơi này. Còn nhà có diện tích trung bình và nhỏ (hoặc nhà chung chung cư), bạn có thể đặt tivi và bộ salon ở chỗ này để làm phòng khách mini. Nếu thích bạn có thể bố trí thêm một vài chậu cây.

Trên đây là tổng hợp tất cả những kinh nghiệm thiết kế giếng trời và cầu thang đẹp, hữu dụng. Chúc các bạn thành công!