BỐ TRÍ CỬA NHÀ NHƯ THẾ NÀO ĐỂ ĐỂ MANG LẠI MAY MẮN, TÀI LỘC CHO GIA CHỦ?

Nhìn chung, nhà nào cũng có nhiều cửa, nhất là nhà  kích cỡ lớn và khuôn viên rộng. Thông thường, người chủ muốn làm nhiều cửa để nhà được thông thoáng. Một số người muốn mở cửa ở mặt tiền thật rộng để đón tài lộc. Tuy nhiên, trước khi mở cửa, bạn cần phân biệt cửa chính và cửa phụ. Mỗi nhà chỉ nên có một bộ cửa chính, ngoài ra, tất cả những cửa còn lại đều là cửa phụ (cửa hậu, cửa sổ, cửa bên…). Nhiều người lại kiêng kỵ xây nhà có nhiều cửa, vì họ nghĩ rằng “Đa môn tắc đa khẩu”, nhà có nhiều cửa sẽ dẫn nhiều khí vào trong, chưa kể đến nắng và bụi bặm xộc vào nhà. Việc khí tràn vào nhiều hướng (tốt lẫn xấu) sẽ gây rối loạn trường khí. Song nhìn chung, tuy nhà có nhiều cửa nhưng bên ngoài chỉ có một cổng thì vẫn tốt. Miễn sao bố trí cổng và cửa theo nguyên tắc hình phễu kể trên là được. Nếu mở nhiều cửa và cảm thấy bất ổn, bạn có thể đặt chậu cảnh hay vật trang trí để phân tán luồng khí vào nhà. Đối với những cửa nằm ở hướng nắng gắt, nên dùng loại cửa kính mờ (hoặc dán mờ một phần), nếu không, tốt nhất nên đóng cửa lại trong thời điểm nắng gắt.

CÁCH BỐ TRÍ CỬA

Căn nhà vận động tốt hay xấu là do cách bố trí cửa. Vì cửa là miệng nạp khí (Khí khẩu) và cũng là đường dẫn khí vào nhà (Khí đạo). Việc mở cửa chỗ nào, rộng hay hẹp, số lượng bao nhiêu… tất cả đều tùy thuộc vào kích cỡ và không gian của nhà, đặc biệt là tùy theo nhu cầu của người chủ.

Cách bố trí cửa dựa vào nguyên tắc Âm Dương (căn cứ vào vùng Âm Dương của những khu vực trong nhà và cả thời điểm trong ngày). Những vùng khuất sau tường, ít khi đi tới và thiếu sáng, những vùng bố trí bàn ghế, giường ngủ, vật dụng cố định được xem là mang tính Âm, nói cách khác, những vùng càng yên tĩnh, kín đáo đều thuộc vùng Âm, còn ngược lại đều mang tính Dương. Đối với những vùng mang tính Dương (khu vực động, đi lại nhiều), cần bố trí cửa để dễ dàng di chuyển.

Vào ban ngày, nếu hướng cửa nào gặp phải nắng gắt (dương thịnh), bạn cần sử dụng hệ thống cửa cần khép (tốt nhất là loại cửa có lam chớp, rèm xoay). Điều này sẽ giúp tăng tính Âm để cân bằng nội khí. Lúc về đêm, bạn nên mở rộng cửa đón gió, không nên ngủ trong phòng đóng kín, ngoại trừ trường hợp sử dụng máy điều hòa nhiệt độ hoặc trời đang mưa, nhiều gió.

Khi bố trí cửa sổ, bạn cần chú ý đến cảnh quan nhìn từ trong ra ngoài và tầm nhìn từ bên ngoài vào trong. Nếu xa xa ngoài cửa sổ có cây xanh thì càng tốt, điều này sẽ giúp người trong nhà thư giãn hơn khi nhìn ngoài.

Nếu nhà bạn có kết hợp với việc buôn bán, có thể thiết kế cửa rộng hơn để tăng độ thông thoáng của không gian tiếp xúc. Nhưng cần có bình phong hoặc cửa phụ, lối đi phụ cho nhân viên đi lại. Còn nếu nhà bạn thuộc loại biệt thự sân vườn, nhà song lập hoặc đơn lập thì cần thiết kế cửa hơi mang tính Âm, nghĩa là cửa cần lùi vào trong một chút so với tiền sảnh.

Đối với nhà phố hẹp, để không khí đối lưu tốt, cần bố trí cửa hậu. Và tùy theo khí hậu địa phương, người ta có thể kết hợp thiết kế cửa hậu với hệ thống cửa sổ, làm cửa chớp hoặc khe thông gió trên lưng tường để nhà được thông thoáng hơn.

Khi bố trí hệ thống cửa, bạn cần tuân thủ nguyên tắc hình phễu, tức cửa ngoài luôn rộng và cao hơn cửa bên trong (tính từ hướng cửa cổng đi dần tới cửa chính rồi vào trong). Như vậy, cửa cổng cần rộng hơn cửa chính, cửa chính phải lớn hơn cửa phòng, cửa hậu và cửa ngách (cửa đi vào phía hông nhà). Nếu cửa ngách rộng và mở ra hướng tây hoặc đông thì vào mùa hè, nhà dễ bị nóng, còn vào mùa đông thì dễ bị lạnh.

Lối vào cửa cần có nhiều ánh sáng để tạo ra sự rộng rãi, thông thoáng. Lối vào chật hẹp hoặc tối tăm sẽ ngăn chặn vận may của gia chủ, ngoài ra còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của những người sống trong nhà. Nói cách khác, lối vào hẹp và tối sẽ tạo ra cảm giác buồn bã, chán nản.

Ngoài cửa vào nhà, cũng cần chú ý kích cỡ của các cửa đi khác trong nhà. Những cửa này phải cân xứng với kích cỡ của nhà hoặc phòng. Song không nên làm cửa quá lớn so với nhà.

Cần tránh đặt ba hoặc nhiều cửa đi thẳng hàng, vì luồng khí sẽ bay thẳng hàng từ ngoài vào nhà, nếu đó là luồng khí xấu thì người trong nhà dễ bị ảnh hưởng hơn.

CỬA CHÍNH

Cửa chính là miệng của ngôi nhà, là nơi quan trọng nhất. Thông qua cửa, nhà có thể đón tiếp được thiên khí và địa khí, đón lành và tránh dữ. Nếu cửa chính đón được vượng khí của trời, quí khí của đất, gia chủ sẽ gặp nhiều may mắn và có thể giàu sang. Dù sử dụng bất kỳ loại cửa nào, không nên gắn hai khóa cùng một bên cửa, nếu muốn an toàn hơn, tốt nhất nên dùng loại khóa kiên cố.

Nhà có được vượng khí hay không là nhờ hướng và kích cỡ của cửa chính. Nếu cửa chính mở ra hướng có nhiều nắng, gió, điểm nhìn,… bạn cần điều chỉnh cửa hoặc xây bít cửa rồi mở ra cửa chính mới ở hướng khác.

Cửa chính trong phong thủy được gọi là “huyền quan”. Đi liền với huyền quan là khái niệm “Thủ huyền quan” (trấn giữ cửa), tức có một bình phong đặt trong nhà, che chắn cửa ở khoảng cách trung bình 1,5 đến 2m. Nhiệm vụ của bình phong là trấn thủ, nhằm thay đổi hướng đi của dòng khí, không cho khí xung chiếu trực tiếp vào nhà. Bạn có thể sử dụng bình phong bằng bất cứ vật liệu hay hình dáng gì, miễn sao hóa giải luồng khí theo chiều hướng tốt là được. Ngoài ra, không nên bố trí cửa chính thẳng với hướng thoát nước thải.

Cửa chính cần quay mặt về hướng lành. Hướng này phải thuận với cung mệnh của chủ nhà. Nếu người thuộc “Đông tứ mệnh” ở vào hướng nhà của người thuộc “Tây tứ mệnh” thì không tốt và ngược lại. Nếu “trạch” (nhà) và “mệnh” (cung mệnh của người chủ) không thuận, cần phải có cửa chính và quẻ mệnh hòa hợp.

Những người có mệnh Mộc, Hỏa, Thủy là thuộc mệnh Đông tứ. Nếu những người này mở cửa chính về hướng Tây tứ (hướng Tây, Tây Bắc, Tây Nam hoặc Đông Bắc) sẽ không gặp thuận lợi vì khắc khí. Còn những người có mệnh Thổ hoặc Kim là thuộc mệnh Tây tứ, nếu mở cửa chính về hưởng Đông, Đông Nam, Nam hoặc Bắc sẽ gặp tà khắc khí, dẫn tới những điều không may. Nói cách khác, người thuộc Đông tứ mệnh nên mở cửa chính ở hướng Đông, Đông Nam, Nam hoặc Bắc; còn người thuộc mệnh Tây tứ cần mở cửa ở hướng Tây, Tây Nam, Tây Bắc hoặc Đông Bắc.

Nếu nhà có cửa chính quay về hướng khắc, cần điều chỉnh bằng cách sử dụng thảm đặt ở cửa chính. Thảm này dựa theo màu sắc của Ngũ Hành: Mộc (xanh, màu lục), Hỏa (đỏ, tím), Thổ (nâu, vàng), Kim (trắng, vàng sẫm), Thủy (lam, xám). Màu thảm cần hài hòa với màu cửa chính và cung mệnh của chủ nhà.

Ngoài ra, nếu nhà xây hợp với người thuộc Đông tứ mệnh, nhưng về sau người Tây tứ mệnh lại về đó cư ngụ (hoặc ngược lại), thì cần chỉnh sửa bằng cách bố trí thêm cửa trong nhà. Nếu cửa chính ở hướng Bắc, xây thêm một đoạn hành lang đi theo hướng Đông Bắc, còn hướng vào hành lang cần xây thêm một cửa. Như vậy, cửa chính vào nhà sẽ trở thành hướng Đông Bắc, hợp với người Tây tứ mệnh. Từ nguyên tắc này, bạn có thể thay đổi ở những hướng cửa khác để tạo sự hòa hợp. Tuy nhiên, theo quan điểm kiến trúc hiện đại, cửa quay về hướng Nam là tốt, ít gặp nắng gắt nhưng lại được gió lành.

Cửa chính cần cân xứng với cửa sổ. Nếu cửa chính lớn hơn gấp 3 lần cửa sổ, trong nhà có thể bất hòa. Còn nếu cửa sổ lớn hơn cửa chính nhiều lần thì trẻ con sẽ sống theo bản năng của chúng, không chịu nghe lời cha mẹ.

BÊN NGOÀI CỬA CHÍNH

Khi bạn đang mở cửa lối vào chính, không nên có gương đối diện với cửa chính. Điều này sẽ ngăn chặn Cát khí, sự may mắn và tài lộc vào nhà bạn. Nó càng không tốt hơn nữa khi cửa hậu lại đối diện thành một hàng thẳng với cửa chính. Điều này cũng có tác động giống như một cái gương. Cát khí sẽ vào nhà bạn, đến cửa hậu rồi bay ra khỏi nhà. Bạn cần thu Cát khí và không để chúng bay ra khỏi nhà bạn. Không nên bố trí nhà vệ sinh đối diện với cửa chính ra vào. Nếu đã xây dựng rồi, bạn nên đóng cửa và cố không sử dụng nó. Ngoài ra, bạn không nên bố trí nhà vệ sinh trên lầu một nằm trực tiếp trên cửa ra vào chính của tầng trệt ở dưới. Điều này cũng tạo ra sự tác động tiêu cực.

Một số điều cần tránh:

  • Cửa chính không nên đối diện với một cây hoặc cột đèn.
  • Cửa chính không nên đối diện với bất kỳ góc cạnh, ống khói hoặc bể chứa nước nào
  • Cửa chính không nên đối diện với cổng, cửa chính, đường lái xe vào của nhà hàng xóm.

PHÍA TRONG CỬA CHÍNH

  • Không nên thiết kế cửa hướng thẳng về phía cầu thang hoặc có một góc nhọn chỉ về phía cửa;
  • Cửa không nên bị ngăn chặn ngay bởi một bức tường;
  • Cửa chính không nên hướng thẳng về phía cửa hậu;
  • Cửa chính không hướng thẳng về phía chậu rửa, bồn rửa chén hoặc ống dẫn nước;
  • Cửa chính không nên hướng thẳng về phía phòng ngủ, nhà vệ sinh, nhà bếp hoặc lò sưởi;
  • Cửa hậu cần phải nhỏ hơn cửa chính;
  • Kích cỡ của cửa chính cần phải cân đối với nhà;
  • Nếu cửa chính có hai ván ô, cả hai ô này phải cùng một kích cỡ;
  • Nếu ngay sau cửa chính là không gian sinh hoạt như phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ hay nhà bếp thì nên mở cửa vừa phải để tránh Trực xung.
  • Nếu trước cửa là đoạn đường hình cánh cung ngược (cánh cung không ôm lấy nhà), bạn nên treo tấm gỗ ghi “trấn sơn hải” hoặc treo gương lõm để hóa giải.

VIỆC SỬ DỤNG CỬA KÍNH

Hướng Bắc tượng trưng cho “Thủy”, chỉ nên lắp đặt những cửa kính quay về hướng Bắc. Không nên bố trí cửa kính quay về hướng Nam, vì hướng này tượng trưng cho Hỏa và Hỏa thì luôn khắc Thủy.

NHỮNG KHUNG LƯỚI SẮT TRÊN CỬA SỔ

Không có bằng chứng nào cho thấy sự quan trọng trong việc chọn mẫu thiết kế có liên quan với phương hướng. Tuy nhiên, việc chọn mẫu lưới lại quan trọng đôi chút, giống như việc bạn chọn màu cho các bức tường vậy.

CỬA SỔ

Đây là nơi dẫn khí, do đó nên thiết kế cánh cửa có thể mở hết ra ngoài hoặc bật vào phía trong, song tốt nhất, cánh cửa nên mở ra phía ngoài để khí vào dễ hơn, còn cửa bật vào trong sẽ tạo nên sự dè dặt, không tốt cho người trong nhà. cần hạn chế tối đa loại cánh cửa bật lên xuống hoặc kéo qua một bên, vì như thế chỉ hấp thu được nửa lượng khí từ bên ngoài vào.

Cửa sổ mở ra hướng Tây không có lợi cho người sống trong nhà. Ánh nắng ở hướng này rất mạnh lúc xế trưa, dễ khiến người trong nhà bị nhức đầu, cáu gắt và làm việc không đạt năng suất. Nếu cửa sổ nằm ở hướng này, nên treo một trái cầu thủy tinh để biến ánh nắng thành ánh sáng cầu vồng làm tăng sinh khí trong phòng.

Cửa sổ cần phải rộng và đầu cửa cần phải cao hơn đầu của người cao nhất trong nhà.

Ngoài ra, cửa sổ cần phải cao hơn cửa đi. Nếu nhà phố có phòng ngủ trên lầu, phía trước thiết kế bộ cửa đi rộng gần hết mặt tiền, tốt nhất nên làm rèm che và chỉ nên mở tối đa 1 hoặc 2 cửa.

CỬA CÁC PHÒNG

Nếu có hai cửa phòng mở ra cùng một hành lang, không nên bố trí hai cửa này đối diện nhau, tốt nhất nên lệch đi một chút. Nếu hai cửa đã đối trực tiếp, nên chữa bằng cách đặt bình phong hoặc treo rèm cửa.

Trong cùng một căn phòng, nếu có hai cánh cửa, tối kỵ là mở sang hai bên, tốt nhất là nên mở về cùng một bên. cửa phòng không nên đối diện với cửa nhà vệ sinh.

Không nên bố trí các cửa phòng xuyên suốt từ trước ra sau nhà (cùng một trục thẳng), vì điều này phạm vào “Môn xung sát”, hình thành hiện tượng gọi là “xuyên đường phong” (gió xuyên qua các phòng), dễ dẫn khí quá mạnh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người trong nhà và còn làm thất thoát vượng khí. Nếu chiều dài của nhà ngắn, các cửa phòng gần nhau thì càng bất lợi hơn. Để khắc phục điều này, chỉ cần chỉnh lại một trong những cửa ở phần giữa, cho cửa ấy lệch sang một bên, hoặc đặt chậu cây cảnh trên lối đi để phân tán luồng khí, tạo sự may mắn cho khắp nhà.

Bạn nên mở cửa hướng vào trong để Cát Khí bay vào nhà, chứ không nên mở cửa hướng ra ngoài (dù ở bất kỳ loại phòng nào).

CỬA HẬU

Các cửa sau nhà rất quan trọng. Một căn nhà có cửa hậu thông ra con đường rộng thì rất tốt. Điều này có thể giúp gia chủ có nhiều cơ hội tăng tài lộc. Tuy nhiên, không nên mở cửa hậu quay về hướng Bắc.

Nếu cửa hậu lớn hơn cửa chính có thể khí sẽ bị phân tán (luồng khí đi vào nhà dễ tuôn ra ngoài cửa hậu). Để khắc phục tình trạng này, bạn không nên mở toang hết cửa hậu. Nếu cửa có nhiều cánh bạn chỉ cần mở một hoặc hai cánh là được. Và nếu có thế, bạn nên chỉnh lại cửa hậu cho nhỏ hơn so với cửa chính.

MỘT SỐ ĐIỀU KIÊNG KỴ KHÁC VỀ CỬA

Cửa chính đối diện với cửa sổ: Cửa chính là nơi dòng khí đi vào nhà, nếu cửa chính nằm ở hướng tốt thì Cát khí sẽ đi vào nhà, song sau đó nó sẽ theo đường cửa sổ đi mất. Do đó không nên để hai cửa này đối nhau.

Cửa chính đối thẳng với bậc thang: Cửa chính mà đối với cầu thang là điều kiêng kỵ, phong thủy gọi là “Môn xung sát” hay “Thương sát”. Không nên để hai cửa này đối nhau.

Cửa nhà này đối diện cửa nhà kia: Dù nhà bạn bên đây, còn nhà đối diện vẫn là nhà… của bạn hoặc là nhà hàng xóm thì cửa của hai nhà không nên đối nhau. Nếu đã đối diện, nên chữa bằng cách dùng bình phong che chắn bên trong cửa hoặc đặt cặp tượng kỳ lân hay tượng rùa nhỏ bằng đồng trước cửa.

Cửa đối với cạnh của góc phòng: Đây cũng là điều kiêng kỵ. Tốt nhất nên đổi vị trí cửa.

Cửa phòng đối thẳng với xà nhà: Dù cất nhà bằng bất cứ vật liệu gì (gỗ, đúc bê tông…), không nên thiết kế xà nhà đâm thẳng vào cửa chính.

Đối với nhà tắm thì không nên làm cửa đôi: Người trong nhà có thể bị bệnh dọc theo đường giữa cột sống và giữa vùng bụng trước (theo mạch Nhâm Đốc), công việc làm ăn gặp trục trặc.

Hai căn nhà có cửa chính xung đối nhau: khí của nhà này sẽ xộc thẳng vào cửa nhà kia, dẫn đến tình trạng một hoặc cả hai nhà đều bị ảnh hưởng xấu. Để khắc phục, bạn có thể sử dụng chuông gió hoặc gương Bát Quái gắn ở phía trên cửa. Ngoài ra, để hóa giải hung khí, bạn có thể đặt tượng Phật Bà, tượng Quan Công hoặc hai con nghê trấn ở hai bên cửa. Nếu không dùng tượng, sử dụng những quả cầu thủy tinh treo trước cửa cũng được. Khi sử dụng gương bạn cần chú ý, gương Phong Thủy giúp phản xạ lại những luồng khí bay tới, tuy nhiên chỉ nên sử dụng trong trường hợp cần thiết, không dùng bừa bãi vì gương có thể phản xạ những luồng khí tốt.

Nhà có cửa chính thông với cửa hậu: nếu ta đứng từ cửa chính nhìn vào và thấy được cửa hậu, có nghĩa là cửa chính và cửa hậu đã thông nhau. Trong trường hợp nhà có cửa giữa, nhưng vẫn nhìn thấy cửa hậu lại càng không tốt, vì đã tạo ra thế 3 cửa thông nhau. Khí vào nhà sẽ thất tán, gia chủ hao tiền tốn của chứ không giữ được tài lộc. Khắc phục bằng cách: sửa lại vị trí cửa (một trong ba cửa: chính, giữa và hậu), làm sao để từ cửa chính nhìn vào không thấy cửa hậu); hoặc đặt bình phong che chắn để không nhìn thấy cửa hậu; hay treo quả cầu thủy tinh ở vị trí thông giữa hai cửa (nếu có cửa giữa thì treo lủng lẳng phía trên cửa này). Ngoài ra, có thể dùng tượng Tam Đa hoặc tượng đầu rồng che chắn ở cửa hậu.

Tránh làm cửa ra vào ở cuối hành lang: vì dòng khí di chuyển, thổi lên tường rồi đảo lộn khiến người trong nhà cảm thấy không yên, dễ sinh cáu gắt. Ngoài ra, cửa ở vị trí này còn cản trở sự may mắn lẫn sự thăng tiến nghề nghiệp và công việc làm ăn. Để khắc phục, nên treo gương soi trên cửa đó hoặc trên tường để chuyển dòng khí mạnh và tạo được không gian rộng hơn, giúp người nhà có cảm giác thoải mái, hy vọng vào sự thăng tiến trong tương lai. Nhìn chung, hành lang cần phải thoáng để khí lưu chuyển.

Trước cửa nhà có dòng nước chảy cũng là điều cần phải quan tâm: Dòng nước có hình dáng đẹp hướng về cửa gọi là “tứ thủy triều môn”. Đây là dòng nước tốt, mang lại tài lộc cho gia chủ, nhưng nếu dòng nước gần như cắt ngang trước cửa thì gia đình có thể xáo trộn, bất hòa. Dòng nước này gọi là “cân thủy cát môn”. Một dòng nước được xem là tối kỵ trong thuật phong thủy khi nó chảy thẳng vào trước cửa nhà (thủy trực xung môn). Dòng nước này thường mang tai họa đến cho gia chủ.

Với những gợi ý trên Xem ngày hoàng đạo mong rằng sẽ giúp gia chủ tự tin thiết kế, lắp đặt cửa xung quanh nhà mà không lo ảnh hưởng đến phong thủy. Chúng tôi mong rằng bạn và gia đình bạn có được không gian sống hoàn hảo nhất.