VĂN KHẤN MẸ QUAN ÂM TẠI NHÀ ĐẦY ĐỦ NHẤT

Quán Thế Âm Bồ Tát là vị Bồ Tát được thờ phụng phổ biến ngày nay. Quan Âm Bồ Tát có vị trí quan trọng trong Phật giáo, nhất là Phật giáo Đại thừa. Ngài đại từ, đại bi cứu khổ cứu nạn chúng sanh khỏi đau khổ, lầm lỗi. Ngoài các không gian chùa, tu viện, Bồ Tát cũng được nhiều Phật Tử thỉnh tượng về thờ tại gia. Cùng tìm hiểu về ý nghĩa tượng Quan Thế Âm và bài văn khấn mẹ Quan Âm nhé.

QUAN ÂM BỒ TÁT LÀ AI?

Quán Thế Âm trong tiếng Phạn gọi là Avalokiteśvara, là một vị Bồ Tát đặc biệt trong Phật giáo, đại diện cho lòng từ bi và lòng nhân ái. Tên gọi “Avalokiteśvara” có nghĩa là vị Bồ Tát quán sát âm thanh đau khổ của thế gian và tự tại cứu độ chúng sinh. Trong văn hóa Trung Quốc, để tránh phạm húy với vua Lý Thế Dân nhà Đường, người ta tránh dùng chữ “Thế”, chỉ gọi là Quan Âm.

Theo truyền thuyết của Kinh Bi Hoa, Quán Thế Âm từng là Thái tử Bất Huyền, con của vua Vô Tránh Niệm trong thời của Đức Phật Bảo Tạng Như Lai. Thái tử này đã nghe theo lời dạy của cha và cam kết cả đời để quán sát chúng sinh, cứu độ những người đau khổ. Các Đức Phật đã ký cho Ngài ban Phật hiệu “Biến Xuất Nhất Thế Công Đức Sơn Vương Như Lai”.

Khi Phật giáo nhập vào Trung Quốc và hòa quyện với văn hóa địa phương, hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đã được đa dạng hóa, thể hiện trong nhiều hình thức khác nhau, từ nam nhân, nữ nhân, dạ xoa đến phi nhân và hơn 500 hình thái khác. Trong đạo Nho, hình tượng của “cha nghiêm mẹ từ” đã tạo ra cơ sở cho hình thức xã hội trong quá khứ. Quán Thế Âm với tâm từ bi và tình thương, thường xuyên cứu độ chúng sinh, đã trở thành biểu tượng gần gũi với tình thương của mẫu nên thường được biểu hiện dưới hình thức nữ giới trong dân gian.

Ở Việt Nam, tín ngưỡng Thờ Mẫu đã hình thành và đồng hành cùng với nền văn minh lúa nước từ rất sớm. Hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát được nhân vật hóa thành Phật Bà Quan Âm – Quan Âm Thị Kính trong đời sống hàng ngày. Các câu chuyện truyền thống như Quan Âm Tống Tử, Quan Âm Diệu Thiện tiếp tục được truyền bá và là nguồn cảm hứng cho tâm linh dân gian. Quán Thế Âm Bồ Tát, với lòng từ bi và khả năng giải hóa đau khổ của chúng sanh, tiếp tục là một biểu tượng quan trọng trong nền văn hóa và tâm linh Việt Nam, được người dân thường xuyên cúng dường vào các ngày lễ và vía hay ngày rằm và mùng 1.

Ý NGHĨA THỜ TƯỢNG QUAN ÂM BỒ TÁT

Tượng Quán Thế Âm thường được đặt ở những vị trí quan trọng, nơi có không gian yên bình và thanh tịnh. Trong những dịp đặc biệt hoặc khi con người đối mặt với những tình huống khó khăn, họ thường thành tâm dâng lễ, nguyện cầu sự giúp đỡ và hướng dẫn từ vị Bồ Tát này.

Tượng Quán Thế Âm, tượng biểu tượng của lòng từ bi và tình thương vô bờ, thường được thể hiện dưới hình thức một bức tượng Phật. Việc thờ phụng tượng Quán Thế Âm là biểu hiện của sự thành kính và lòng tin của người sùng bái. Vị Bồ Tát này là biểu tượng của tinh thần “Giác tha” trong đạo Phật, mang đến sự giác ngộ và lòng từ bi cho chúng sinh.

Quán Thế Âm là vị Bồ Tát có tâm hồn tại thế gian, luôn quan sát và lắng nghe mọi sinh linh. Ngài cứu độ những người đau khổ, lắng nghe những tiếng kêu oan trái của muôn loài và giúp đỡ những người phụ nữ sắp sinh nở, mang lại bình an và may mắn. Người sùng bái Ngài cũng thường cầu xin sự ban phước cho việc có con trai hoặc vượt qua những khó khăn trong việc làm cha mẹ.

Ngắm nhìn tượng Quán Thế Âm có thể mang lại cảm giác thanh tĩnh và tĩnh lặng, giúp làm dịu đi tâm hồn và hướng dẫn tư tưởng về đúng mực. 

MÂM LỄ CÚNG QUAN ÂM BỒ TÁT GỒM NHỮNG GÌ?

Quan Âm Bồ Tát vốn xuất thân là người nhà Phật. Vì thế, đồ cúng lễ gia chủ cần chuẩn bị phải là đồ chay, không cần quá cầu kỳ mà phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình. Dưới đây là một mâm cúng lễ đơn giản tại nhà.

  • Hương
  • Hoa tươi (nên chọn hoa huệ, hoa cúc vàng, hoa sen,…)
  • Hoa quả tươi (nên chọn những loại quả có thân hình tròn, căng mọng và màu sắc tươi sáng như cam, bưởi, lê, quýt,…)
  • Bánh kẹo, phẩm oản
  • Đĩa xôi chay

VĂN KHẤN QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT TẠI NHÀ 

Thông thường, việc khấn Phật Bà Quan Âm nên diễn ra vào mỗi buổi sáng khi vừa thức dậy hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Khi khấn nguyện mẹ Quan Âm nên làm chậm rãi, giữ tâm chí kính, chí thành. Sau khi dâng hương, cắm hương thì bạn quỳ xuống và đọc:

Con xin cung kính lễ lạy:

Nam Mô Đại Từ Đại Bi Thập Phương Tam Thế Chư Phật, chư Bồ Tát,

Tam Bảo khắp mười phương (3 lần)

Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)

Nam Mô Đại Từ Đại Bi cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát (2 lần)

Tri ân:

Hôm nay lại bước qua một ngày, con tự biết con đã được rất nhiều may mắn, con đã hưởng được tha lực từ bi của chư Phật, chư Bồ Tát. Đức Từ phụ A Di Đà Phật, Đức Mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát ban cho, và được chư vị giúp đỡ mà con mới có được ngày hôm nay. Con xin thành tâm thành kính quỳ nơi đây dâng lòng chí thành chí kính tri ân (1 lạy).

Cầu an:

Con xin thành tâm thành kính cầu nguyện sự an lành, an lạc, thanh bình, hạnh phúc cho cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc, cùng khắp các chúng sanh hữu tình, vô tình.

Con cầu xin thập phương tam thế chư Phật, chư Bồ Tát, Đức Từ phụ A Di Đà Phật, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, và chư vị từ bi gia hộ, giúp đỡ để chúng con đồng được sự an lành, an lạc, tu hành đến Tri Kiến Giải Thoát, thoát khỏi sanh tử luân hồi, đồng xin nguyện được vãng sanh về Cực Lạc Quốc (1 lạy).

Cầu siêu:

Con cũng thanh tâm cầu siêu cho vong linh cửu huyền thất tổ, cha mẹ, tổ tiên, thân bằng quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp.

Những vong linh liên hệ và không liên hệ đến con,

Những vong linh con đã lỡ gây hại, sát hại trong quá khứ,

Cho những vong linh tên:…

Cùng những vong linh mất trong chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, và vì mọi lý do chưa được vãng sanh.

Con thành tâm cầu nguyện xin tha lực từ bi của mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, Đức từ phụ A Di Đà Phật, Đức Mẹ Quan Thế Âm Bồ Tát, Đức Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, cùng chư vị giúp đỡ để các vong linh được tiếp dẫn về nơi an lạc, siêu sanh Tịnh Độ (1 lạy)

Sám hối:

Nay con xin chí thành sám hối mọi tội lỗi con đã lỡ gây tạo từ nhiều kiếp cho đến nay, những tội con đã gây tạo trong kiếp sống hiện tại.

Những tội con gây tạo do bởi vô tình hay cố ý, gây hại, sát hại đến nhân mạng, đến giới hữu tình hoặc vô tình, những tội do bởi Tham, Sân, Si, do bởi ngã mạn, vô minh che lấp.

Từ nay, mỗi ngày con xin kiểm soát hành động, từ tưởng để sám hối, sửa sai và xin nguyện giữ mình không tái phạm.

Hết thảy các tội, con xin chí thành quỳ nơi đây dâng lòng sám hối. Xin chư Phật mười phương, chư Bồ Tát, Đức từ phụ A Di Đà Phật, Đức Mẹ Quan Thế Âm Bồ Tát chứng minh cho lòng thành của con (1 lạy).

Hồi Hướng/ Phát Nguyện:

Sám hối rồi, nay con xin nguyện tiếp tục tu học, tu hành, hướng tâm tu để thoát khỏi sanh tử luân hồi. Làm việc lợi mình lợi người.

Con xin hồi hướng, chia sẻ Công Đức đến cha mẹ, thân nhân (tên)… Đến chư Thiên, chư Thần, chư Thánh, chư Hộ Pháp và chư vị đã giúp đỡ cho con.

Đến những vong linh mà con đã lỡ gây hại, sát hại. Cùng tất cả các vong linh chưa được vãng sanh và pháp giới chúng sanh.

Con nguyện dâng lòng thành kính tri ân, quy y Tam Bảo. Cầu xin Chư Phật mười phương, chư Bồ Tát, Đức từ phụ A Di Đà Phật, Đức Mẹ Quán thế Âm Bồ Tát từ bi gia hộ để con và chúng sanh đồng được duyên lành tu học thoát khỏi sanh tử luân hồi, trên tri ân chư Phật, dưới cứu độ chúng sanh. Chúng con đồng xin nguyện được vãng sanh về Cực Lạc Quốc (3 lạy).

Trên đây là bài văn khấn Phật Bà Quan Âm tại nhà để bạn tham khảo. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết. Đừng quên thường xuyên truy cập Xem ngày hoàng đạo để cập nhật nhiều thông tin hữu ích bạn nhé.